Bạo lực - vấn đề không chỉ của nội bộ mỗi gia đình

12/06/2022
"Đa số những người bị bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội. Những tác động, ảnh hưởng của bạo lực gia đình đối với mỗi người có thể khác nhau như công việc, sức khỏe, danh dự, tinh thần...", Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận định.

Mức độ bạo lực gia đình ngày càng nghiêm trọng

Trao đổi với Gia đình Việt Nam, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội) cho rằng, bạo lực gia đình ảnh hưởng tới sự phát triển của xã hội nói chung và người bị bạo lực gia đình nói riêng.

"Đa số những người bị bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội. Những tác động, ảnh hưởng của bạo lực gia đình đối với mỗi người có thể khác nhau như công việc, sức khỏe, danh dự, tinh thần...", Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận định.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, ở cấp độ quốc gia, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ ảnh hưởng của tình trạng bạo lực gia đình làm tổn hại khoảng 1,8% GDP và đây là con số rất lớn sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển chung của đất nước.

"Nói như thế để hiểu được rằng vì sao Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều đẩy mạnh các giải pháp để phòng chống bạo lực gia đình. Trong đó phải có các bộ luật, các công cụ pháp lý mạnh mẽ hơn để điều chỉnh hành vi, xử lý các hành vi bạo lực gia đình", Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nói.

Đặc biệt, tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội.

"Rất nhiều vụ bạo lực gia đình cực kỳ nghiêm trọng như chồng đánh đập, sát hại vợ, những vụ bạo hành trẻ em đến tử vong... gây rúng động dư luận xã hội như thời gian vừa qua. Đấy là lý do vì sao cần phải điều chỉnh, bổ sung những khoảng trống trong Luật phòng chống bạo lực gia đình để có hiệu quả hơn", Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận định.

Công tác phát hiện, ngăn chặn có ý nghĩa quyết định

Trong khi đó, bà Bùi Thị Thủy - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV đánh giá, vấn nạn bạo lực gia đình đang xảy ra ở nhiều nơi bao gồm cả ở thành thị, thành phố và xuất hiện ở cả những vùng nông thôn, không chỉ trong các gia đình nghèo, đông con mà ngay cả các gia đình có điều kiện về kinh tế.

Đặc biệt, trong thời gian cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cũng là lúc nhiều gia đình bắt đầu nảy sinh nhiều mâu thuẫn khiến vấn đề bạo lực gia đình tăng. Những hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần tăng lên về cả tần suất và mức độ khiến nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề hơn, trong đó phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.

Trong đó, vấn đề đáng báo động là tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em diễn ra trong thời gian gần gây có xu hướng tăng cả về số vụ việc và tính chất vi phạm. Nhiều vụ việc rất đau lòng, gây phẫn nộ dư luận xảy ra gần đây cho thấy trẻ em sống trong những gia đình mà bố mẹ gặp vấn đề trục trặc, mâu thuẫn về tình cảm, đã ly hôn, sống với mẹ kế hoặc bố dượng đều có nguy cơ cao bị bạo hành hơn.

Nữ Đại biểu Quốc hội Khóa XIV dẫn chứng, thực tế không ít vụ việc bạo lực gia đình đối với trẻ em trong thời gian qua khiến dư luận bàng hoàng khi nạn nhân bị bạo hành một cách dã man, tổn thương nặng về thể chất và tinh thần, thậm chí là tính mạng được phát hiện khi đã quá muộn. Do đó công tác phát hiện, phản ánh, tố giác ngay từ đầu có ý nghĩa quyết định.

"Để hạn chế tối đa vấn đề bạo lực gia đình thì cần thay đổi nhận thức vấn đề bạo lực, bạo hành gia đình không phải là vấn đề nội bộ, của riêng mỗi gia đình. Cộng đồng, hàng xóm hãy lên tiếng phản ánh đến chính quyền, cơ quan chức năng, hay tổng đài trước những vấn đề bạo lực gia đình", bà Bùi Thị Thủy nói.

Cùng với đó các cấp chính quyền, ban ngành cần vào cuộc một cách dứt khoát, quyết liệt ngay từ đầu, tránh tình trạng tiếp nhận cho có, xử lý theo hình thức nhắc nhở rồi thôi. Như vậy sẽ khó xử lý gốc rễ vấn đề về bạo lực gia đình ngay từ đầu.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về vấn đề bạo lực gia đình cũng như trang bị cho trẻ em kỹ năng tự bảo vệ mình trước những hành vi xâm hại cũng rất quan trọng. Việc đưa các chương trình này vào nhà trường từ cấp mầm non đến các cấp là cần thiết.

"Đã đến lúc chúng ta cần lên án một cách mạnh mẽ tình trạng bạo lực gia đình và khi phát hiện đối tượng gây ra phải có những chế tài xử lý thật nghiêm minh ngay từ đầu. Các kênh tiếp nhận thông tin cũng như nơi tạm lánh nạn cho người bị bạo lực gia đình cũng cần được quan tâm hơn. Bởi có không ít nạn nhân không biết phải tìm tới đâu để được hỗ trợ và bảo vệ khi bị bạo lực gia đình", bà Bùi Thị Thủy nêu ý kiến.
giadinhonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video