Bao giờ phụ nữ hết gánh nặng kép?

21/11/2019
Đằng sau người đàn ông thành đạt là người phụ nữ phải làm tốt nhiệm vụ hậu phương. Nhưng đằng sau sự thành đạt của người phụ nữ, vai trò hậu phương của đàn ông rất mờ nhạt, thay vào đó là gánh nặng kép đè nặng lên vai họ.

Cô đơn trên con đường phấn đấu sự nghiệp

17h tan sở, chị Hồng (Nam Từ Liêm, HN) vội vã đến đón con ở trường, mua một suất đồ ăn nhanh rồi chở con đến lớp học thêm ở nhà cô giáo. Sau đó, chị vội vàng đến lớp cao học buổi tối ở trường đại học KHXH&NV Hà Nội. Chị Hồng hiện đang theo học chương trình thạc sĩ ở đây, khóa học vào các buổi tối trong tuần. Vì muốn phấn đấu sự nghiệp nên chị cố gắng học để nâng cao trình độ. Tuy nhiên, việc học của chị không được chồng ủng hộ vì anh không muốn vợ học cao hơn mình. Chồng chị Hồng tốt nghiệp cao đẳng, hiện đang làm nhân viên ở một công ty Nhà nước. Do không nhận được sự ủng hộ của chồng nên chị Hồng đành tự thân vận động. Chồng chị "quán triệt" vợ đi học nhưng không được bỏ bê nhiệm vụ làm việc nhà, chăm sóc con cái, nội trợ. Hàng ngày, chị đón con rồi gửi con đến nhà cô giáo học thêm. Sau khi tan học, chị qua đón con cùng về. Việc nấu nướng, chợ búa, chị tranh thủ đi chợ mua đồ dùng cho một tuần. Để hạn chế việc nấu nướng, chị chế biến các món có thể ăn trong nhiều ngày. Vợ bận chuyện học hành, lo cho con học hành nhưng chồng chị vẫn cho mình quyền đi tụ tập ăn uống với bạn bè bên ngoài. 

Đang học dở năm thứ ba đại học thì Bình (Sơn Tây, HN) "lỡ dại" mang bầu nên phải tạm thời bảo lưu kết quả học để lo chuyện cưới và sinh con. Sinh con xong, Bình muốn quay lại trường học tiếp để lấy tấm bằng sau này còn xin việc. Nhưng, chồng và gia đình chồng muốn Bình làm tốt nhiệm vụ làm mẹ, làm vợ, làm dâu trước, chuyện học hành không quan trọng. Chồng bảo cô muốn đi học thì mang con theo cùng. Bình đành mang con nhỏ theo rồi thuê một phòng trọ gần trường, nhờ mẹ đẻ lên trông giúp con để đi học. Gia đình chồng cô không chu cấp cho con dâu ăn học, chồng lại chưa có việc làm ổn định nên mọi việc Bình vẫn phải tự thân vận động và nhờ nhà ngoại hỗ trợ. 

Đánh đổi hạnh phúc 

Chị Lê Giang (chủ một doanh nghiệp tư nhân kể về cuộc hôn nhân đổ vỡ của mình. Chị sinh ra trong một gia đình làm nghề gốm nên có tay nghề giỏi. Sau khi lấy chồng, chị thành lập một cơ sở sản xuất gốm nhỏ, làm theo đơn đặt hàng cho các cửa hàng lưu niệm. Nhờ có chữ tín, mẫu mã đẹp, chất lượng nên đơn hàng ngày một nhiều, nguồn thu khấm khá, chị trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình. Vợ làm ăn thành công lẽ ra anh nên vui mừng, ủng hộ thì lại quay sang tự ti, bởi bị mất đi vai trò trụ cột trong gia đình. Hôm nào nhà có việc mà chị đang bận rộn bên ngoài chưa về được thì kiểu gì cũng bị chồng "luận tội", chỉ trích vợ không hoàn thành nhiệm vụ trong gia đình. Thậm chí, anh còn ghen tuông với các đối tác làm ăn của chị bên ngoài. Tình cảm vợ chồng luôn bất hòa, cuộc sống hôn nhân bất hạnh theo. Giai đoạn doanh nghiệp gặp khó khăn, chị lao tâm khổ tứ để tìm lại thị trường. Anh không chia sẻ còn dằn dắt vợ bỏ bê công việc gia đình. Kết quả, hôn nhân của chị đổ vỡ bởi anh chồng còn nặng tư tưởng bất bình đẳng trong gia đình. 

Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội), trong gia đình, khi người đàn ông thua kém vợ về trình độ, khả năng kiếm tiền, họ sẽ mang tâm lý tiêu cực, phản kháng lại vì lo sợ vị trí trụ cột của mình không còn. Nỗi lo mất đi vai trò nắm quyền đã khiến họ không ủng hộ vợ, không chia sẻ, thậm chí có hành động bạo lực vợ để lấy lại uy lực của mình. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho phụ nữ phải chịu gánh nặng kép. 

Một nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, phụ nữ phải làm các công việc chăm sóc gia đình không hưởng lương nhiều hơn nam giới 105 phút mỗi ngày, 12 giờ mỗi tuần, tương đương 80 ngày mỗi năm. Phụ nữ vẫn đang mang “gánh nặng kép”, vừa phải làm việc xã hội, vừa chịu trách nhiệm chăm lo cho gia đình. 

Thực tế cho thấy, vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình không còn đặt nặng lên nam giới mà đã có sự dịch chuyển sang nữ giới. Tuy nhiên, dù làm trụ cột gia đình, bận rộn với công việc xã hội nhưng người phụ nữ vẫn không được chồng ủng hộ, chia sẻ công việc nhà. Ngược lại họ phải "đảm việc nước, giỏi việc nhà". Do đó, phụ nữ phải vượt qua rất nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ xã hội lẫn gia đình, cả hai đều đặt yêu cầu cao đối với họ. 

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn cho rằng sự mặc định vai trò giới lâu nay chính là nguyên nhân khiến cho tình trạng bất bình đẳng trong gia đình tồn tại. Khi người đàn ông vẫn còn mặc định việc nuôi dạy con, nội trợ, đi chợ, dọn dẹp nhà cửa là nhiệm vụ của vợ và không chịu chia sẻ lại thì phụ nữ vẫn còn phải chịu gánh nặng kép. Có rất nhiều phụ nữ bị đặt vào tình thế phải lựa chọn: Dừng lại sự nghiệp trở về làm nhiệm vụ của người mẹ, người vợ hay tiếp tục phấn đấu? Vì vậy để phụ nữ thoát khỏi gánh nặng kép không chỉ cần có sự chung tay của nam giới, mà còn cần tới các chính sách xã hội hỗ trợ nữ giới thực hiện tốt vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội mà không phải chịu nhiều áp lực.

baophunuthudo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video