Báo động trẻ vị thành niên tự tử

11/12/2019
Đã xảy ra nhiều vụ trẻ tự tử do bế tắc từ những mâu thuẫn gia đình, không được cha mẹ đáp ứng nhu cầu... đang gióng lên hồi chuông báo động đối với gia đình và xã hội.

Chỉ trong vòng một tuần lễ cuối tháng 11/2019 liên tiếp xảy ra 3 vụ trẻ vị thành niên tự tử khiến 2 trẻ thiệt mạng, 1 trẻ may mắn thoát chết. Ngày 22/11, L.A.Q (13 tuổi) trú tại TP Hồ Chí Minh đã nhảy từ tầng 8 của chung cư tự tử vì giận mẹ kiểm tra điện thoại riêng tư của mình. Q đã may mắn thoát chết do khi nhảy xuống không rơi thẳng xuống đất mà vướng vào mái tôn phía dưới. Ngày 26/11, một bé gái 11 tuổi sống tại tầng 39, tòa nhà R2, khu đô thị Goldmark City 136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm rơi từ tầng 39 xuống đất tử vong. Trong quá trình điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra công an quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện một bức thư cháu L viết để lại với tiêu đề: “Gửi gia đình”. Ngày 27/11, dư luận xôn xao về lá thư tuyệt mệnh được cho là của bé gái 11 tuổi tự tử vì buồn chuyện gia đình do bố mẹ cãi nhau, sắp ly hôn được chia sẻ trên mạng xã hội. Ngày 30/11, Nguyễn Thị Thu Tr (16 tuổi, trú tại xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã để lại xe máy điện và tâm thư cùng chứng minh nhân dân ở trên cầu Phủ 2, thuộc thôn Phái Nam, xã Thạch Lâm rồi nhảy xuống sông tự tử. Trong bức tâm thư gửi lại cho gia đình, Tr viết do buồn chán không muốn sống vì bị bố mẹ la mắng nhiều, kết quả học tập không như mong muốn nên càng bị gia đình chỉ trích. Những sự việc đau lòng trên là lời cảnh tỉnh khiến các bậc cha mẹ phải suy nghĩ. Bởi đây không phải là 3 trường hợp duy nhất trẻ vị thành niên có hành vi tự tử, trước đó tại bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh cũng đã từng cấp cứu nhiều ca trẻ tự tử do buồn chuyện gia đình. 

Việc trẻ liều lĩnh tìm đến cái chết không chỉ để lại nỗi đau mất con mà còn là hồi chuông cảnh báo cho sự quan tâm, giáo dục, chăm sóc trẻ trong gia đình. Lâu nay, gia đình vẫn được xem là nơi bình yên, bảo vệ an toàn cho các thành viên, đặc biệt đối với trẻ em. Nhưng giờ đây, gia đình lại trở thành nơi khiến trẻ buồn chán, cảm thấy bế tắc đến mức không còn muốn sống. Bố mẹ là người trẻ yêu thương nhất, là chỗ dựa với trẻ thì nay trở thành tác nhân khiến trẻ thất vọng, đối kháng với trẻ, không hiểu tâm tư nguyện vọng của trẻ. Ở lứa tuổi vị thành niên, trẻ có nhiều thay đổi tâm sinh lý cần sự quan tâm, chia sẻ của bố mẹ, người thân trong gia đình. Nhưng, điều này lại không được gia đình quan tâm để ý đến với nhiều lý do, khiến trẻ dễ nảy sinh tâm lý tiêu cực trong cuộc sống. Rõ ràng, cách giáo dục áp đặt, tình yêu thương không đúng cách của bố mẹ hiện nay đang có vấn đề.      

Nghiên cứu về "Bản chất vấn đề tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh/thành phố ở Việt Nam" của UNICEF cho thấy, nguyên nhân dẫn đến ý nghĩ và hành vi tự tử chủ yếu ảnh hưởng đến các em gái bao gồm: thất bại trong chuyện tình cảm (bị bạn trai bỏ rơi), các vấn đề ở trường học (bị bạn bè bắt nạt, trêu chọc, bị điểm kém), các vấn đề trong gia đình như bị cha mẹ mắng, thiếu sự giao tiếp giữa con cái và cha mẹ, mâu thuẫn giữa cha mẹ với nhau, người cha có hành vi bạo lực, áp lực về kinh tế, cha mẹ nghiện ngập, vấn đề tảo hôn đối với các em gái…

 Theo đó, Nghiên cứu cũng đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi tự tử của trẻ và thanh thiếu niên. Đó là tăng cường nguồn nhân lực ở tất cả các cấp thông qua đào tạo, đặc biệt là đội ngũ tư vấn viên, bác sĩ tâm lý, chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội để đối phó với các vấn đề về sức khỏe tâm thần dưới mức nặng - vốn là những yếu tố chính dẫn đến ý nghĩ và hành vi tự tử. Hoạt động đào tạo cần hướng trọng tâm vào nhóm trẻ em và thanh thiếu niên. Nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng về những vấn đề sức khỏe tâm thần và những tâm lý xã hội tiềm tàng có khả năng dẫn tới tự tử, thay vì tập trung vào các vấn đề rối loạn tâm thần nặng. Hoạt động nâng cao nhận thức có thể thực hiện bởi nhiều tổ chức ở cấp cộng đồng cũng như thông qua những dịch vụ hỗ trợ sẵn có, ví dụ Hội Phụ nữ, nhân viên y tế. Tăng cường vai trò nòng cốt của Bộ Giáo dục – Đào tạo trong việc phối hợp với phụ huynh học sinh để cung cấp cho họ những kỹ năng nuôi dạy con, giao tiếp với con cái để giúp giảm bớt những khó khăn của trẻ ở trường và ở nhà… 

Từ hành vi tự tử của con trẻ, ngoài các giải pháp vĩ mô, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi suy nghĩ, hành động để đưa gia đình trở về đúng vị trí là nơi trẻ cảm thấy được yêu thương, che chở, nhân lên niềm lạc quan trong cuộc sống, kịp thời gỡ rối những vấn đề tâm sinh lý mà trẻ gặp phải trong quá trình lớn lên.

baophunuthudo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video