Bảo đảm quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

17/03/2022
Sáng 17/3, TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tổ chức “Hội thảo góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” theo hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội nhằm đảm bảo thu hẹp khoảng cách giới, tiến tới bình đẳng giới thực chất cũng như quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em trong dự thảo Luật.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam và Bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp, TW Hội LHPN Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tổ chức ngày 17/3

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam và Bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp, TW Hội LHPN Việt Nam chủ trì hội thảo cùng các chuyên gia luật, chuyên gia giới, đại diện một số bộ, ban, ngành, đơn vị TW và đại diện Hội LHPN các tỉnh, thành.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Phát biểu mở đầu hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh: “Với vai trò tham mưu giám sát, góp ý xây dựng luật, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo Tham vấn ý kiến dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) nhằm thực hiện tốt hơn nữa chức năng của Hội trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”.

Phó Chủ tịch Hội cho biết, Hội LHPN Việt Nam luôn xác định trách nhiệm của mình trong PCBLGĐ nói chung, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Từ năm 2009, ngay sau 2 năm Luật PCBLGĐ được ban hành, Hội đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Luật PCBLGĐ giai đoạn 2010 – 2020. Bên cạnh đó, Hội đã triển khai nhiều hoạt động với mục tiêu chung là thực hiện trách nhiệm quy định trong Luật góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCBLGĐ; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của phụ nữ và gia đình trong việc phòng ngừa BLGĐ; bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ và từng bước giảm thiểu tình trạng BLGĐ tại mỗi địa phương và trên toàn quốc.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu mở đầu hội thảo

Qua hội thảo, Hội LHPN Việt Nam mong muốn nhận được nhiều ý kiến trao đổi, góp ý sâu của các chuyên gia, đại biểu vào một số nội dung như: Đánh giá sự chuyển biến về nhận thức, việc triển khai các biện pháp, chính sách, quy định về PCBLGĐ của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân và phụ nữ tại các tỉnh, thành, địa phương; Xác định những vấn đề đặt ra trong thời kỳ hiện nay cần được điều chỉnh trong Luật PCBLGĐ; đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện và thực hiện pháp luật PCBLGĐ.

Theo bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam: “Luật PCBLGĐ khi được Quốc hội thông qua sẽ là một đạo luật thể hiện rõ những cam kết của Việt Nam trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần phòng ngừa và xử lý hiệu quả các vụ bạo lực gia đình, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của những ngươì bị bạo lực, xây dựng nền văn hóa Nói không với bạo lực gia đình, nói không với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Chính vì vậy, Hội thảo này là một cơ hội tốt để các nhà hoạch định chính sách, các nhà hoạt động thực tiễn, các chuyên gia, tổ chức xã hội trao đổi quan điểm và đóng góp những ý kiến thực tiễn, đưa ra những đề xuất cụ thể đối với Dự thảo Luật”.

Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam nhận định hội thảo là cơ hội tốt để các chuyên gia, đại biểu đóng góp những ý kiến thực tiễn, đưa ra những đề xuất cụ thể đối với Dự thảo Luật PCBLGĐ

Các đại biểu tham gia hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến sâu, quan điểm, đề xuất về sửa đổi một số nội dung trong dự thảo Luật PCBLGĐ theo hướng bình đẳng giới. Trong đó, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV đã chỉ ra hai điểm khác biệt chủ yếu của Luật PCBLGĐ so với các tiêu chuẩn quốc tế; từ đó kiến nghị làm rõ khái niệm “thành viên gia đình” để thống nhất với các Luật khác, nghiên cứu sửa đổi Luật  theo hướng đảm bảo thủ phạm bạo lực gia đình là người duy nhất phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về BLGĐ, hạn chế sử dụng các biện pháp phạt bằng tiền thay cho kết án , không sử dụng hòa giải gia đình như một giải pháp chủ chốt của Luật PCBLGĐ; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong phòng, chống BLGĐ và những biện pháp xử lý nếu không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; quy định các hành vi cụ thể của từng loại BLGĐ; nghiên cứu sửa đổi quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở trong Luật PCBLGĐ…

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

Góp ý vào trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đề xuất một số quy định trách nhiệm của Hội như: tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ Hội cấp cơ sở; tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ bình đẳng, phòng ngừa bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc bằng phương thức truyền thông, tạo việc làm, trang bị kỹ năng ứng xử…; hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con không dùng bạo lực; phát triển mô hình hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình tại cộng đồng như: Ngôi nhà bình yên, Trung tâm 1 cửa, tổ tư vấn cộng đồng… nhằm bảo vệ phụ nữ khỏi bị bạo lực cả về thể chất lẫn tinh thần.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đề xuất một số quy định trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em

Chiều cùng ngày, các chuyên gia, đại biểu tiếp tục đưa ra ý kiến, thảo luận góp ý sửa đổi Luật và đề xuất sửa đổi trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam quy định trong Luật PCBLGĐ nhằm tăng cường chức năng bảo vệ quyền và lợi ích cho phụ nữ, trẻ em.

 

Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Cục thống kê, Quỹ dân số liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019 công bố năm 2020 cho thấy: có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Kết quả điều tra này còn cho thấy, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP mỗi năm. Tình hình bạo lực gia đình nêu trên ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc, cản trở sự nghiệp tiến bộ, phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới mà Việt Nam đang cố gắng phấn đấu thực hiện.

 

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video