Bạc Liêu: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần sự thay đổi hiệu quả hơn

22/04/2022
Hơn 13 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, tỉnh Bạc Liêu đã và đang đạt được một số kết quả đáng kể: nhận thức pháp luật về bạo lực gia đình nâng lên; giá trị, vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội cũng được nhìn nhận đúng mực, được tôn vinh; chất lượng công tác PCBLGĐ và định hướng cộng đồng được thể hiện ngày càng cao.
Chánh án TAND huyện Phước Long đề xuất liên quan đến Luật PCBLGĐ.

SỐ VỤ BẠO LỰC GIA ĐÌNH GIẢM

Theo báo cáo, từ năm 2008 đến nay, tổng số vụ việc BLGĐ trên địa bàn tỉnh là 4.231 vụ. Số vụ giảm liên tục qua từng năm.Rõ ràng, thời gian Luật đi vào cuộc sống càng dài, tỷ lệ các vụ BLGĐ càng giảm, thật sự là tín hiệu đáng mừng cho thấy hiệu quả của công tác PCBLGĐ.

BLGĐ là vấn đề mang tính toàn cầu, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng các quyền con người. Trong những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện công tác PCBLGĐ. Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật PCBLGĐ năm 2007, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Trẻ em năm 2016 là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em rất dễ trở thành đối tượng, nạn nhân của BLGĐ.

Tình trạng BLGĐ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, đối tượng bị bạo lực phần lớn là phụ nữ, người gây ra bạo lực chủ yếu là nam giới. BLGĐ thường xuyên xảy ra ở những gia đình mắc vào tệ nạn cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập ma túy, những gia đình khó khăn về kinh tế, thiếu việc làm, kết hôn sớm, ngoại tình... Phần lớn là do sự bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết về Luật PCBLGĐ; thiếu các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết không phù hợp dẫn đến mâu thuẫn, xung đột.

HIỆU QUẢ BẢO VỆ VÀ HỖ TRỢ TRONG PCBLGĐ

Trong hơn 13 năm, số vụ việc BLGĐ trong tỉnh bị đưa ra xử lý hình sự không nhiều, chủ yếu chỉ khi có án mạng hoặc gây tổn thương thân thể mới bị xử lý. Có 56 vụ có liên quan đến BLGĐ, trong đó có 19 vụ giết người (chồng giết vợ, vợ giết chồng, con giết cha mẹ, anh chị em giết nhau, giết con mới đẻ); 19 vụ cố ý gây thương tích; 1 trường hợp hành hạ thành viên gia đình; 1 vụ đe dọa giết người. Có hơn 4.450 vụ ly hôn ít nhiều có liên quan đến BLGĐ nhưng chỉ xử ly hôn chứ không giải quyết vấn đề BLGĐ.

Áp-phích tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình.

Ở góc độ hỗ trợ tư vấn pháp luật về Luật PCBLGD, toàn tỉnh đã tiếp nhận và đưa ra hòa giải 4.231 vụ việc, số vụ việc hòa giải thành là 3.985 vụ việc, có 246 vụ việc hòa giải không thành 246 vụ việc. Số vụ việc hòa giải thành ở cơ sở đạt tỷ lệ 94,1%, tổng số phụ nữ bị BLGĐ được trợ giúp pháp lý là 2.210 người, 1.110 nạn nhân bị BLGĐ được thăm khám và chữa bệnh. Hơn 2.000 đối tượng là nạn nhân và đối tượng gây BLGĐ được đào tạo, dạy nghề để cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, tổ hòa giải, địa chỉ tin cậy, nhóm PCBLGĐ ở ấp, khóm đã kịp thời phát hiện, tư vấn, hỗ trợ, chia sẻ cho 3.130 nạn nhân và đối tượng gây BLGĐ.

Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập được 46 tổ tư vấn PCBLGĐ; 270 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 64/64 xã, phường, thị trấn có đường dây nóng với 192 số điện thoại hoạt động 24/24 để ngăn ngừa các vụ BLGĐ ở cơ sở. Thành lập được 90 câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, mô hình PCBLGĐ. Để hỗ trợ cho hoạt động của các tổ, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí hoạt động cho mỗi tổ tư vấn, đường dây nóng, câu lạc bộ là 150.000 đồng/tháng, nhằm củng cố, duy trì các buổi sinh hoạt hàng tháng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị trên địa bàn.

NHỮNG VƯỚNG MẮC CẦN THÁO GỠ

Ngoài những kết quả đạt được thì việc thi hành Luật PCBLGĐ cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Công tác này tại một số vùng nông thôn đạt hiệu quả chưa cao; người dân ở nhiều địa bàn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhiều thay đổi về bình đẳng giới, về PCBLGĐ. Quan điểm trọng nam khinh nữ, “chồng chúa vợ tôi” vẫn còn tồn tại, kèm theo đó là công tác quản lý của cán bộ cấp cơ sở còn thiếu và yếu. Nhiều vụ việc khi được yêu cầu chính quyền can thiệp lại chậm trễ, không tạo được lòng tin, chỗ dựa thật sự cho người bị BLGĐ, thậm chí đôi khi còn bị bêu rếu, xấu hổ. Việc xử lý hành vi BLGĐ không tới nơi tới chốn, đúng quy định của pháp luật, dẫn đến thiệt thòi cho người bị bạo lực. Bà Trần Ngọc Như - Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) huyện Phước Long, cho biết trong rất nhiều vụ án ly hôn mà Tòa án xét xử, nhiều phụ nữ cho biết có liên quan đến vấn đề BLGĐ. Nhưng Tòa lại không thể dựa vào lời khai một phía để giải quyết, vì ông chồng “chối bay chối biến”, mà hỏi đến chứng cứ thì không ai có do quá trình thụ lý giải quyết ban đầu khi xảy ra BLGĐ ở cơ sở không đúng, không lập biên bản vi phạm cụ thể, rõ ràng. Đây cũng chính là một yếu tố khiến hành vi BLGĐ dù rất nguy hiểm, vẫn cứ xảy ra nhan nhản trong nhiều gia đình. Bà Như còn cho biết thêm, 13 năm nay, TAND huyện Phước Long cũng chưa có xử lý hình sự vụ án nào về BLGĐ.

Tương tự, bà Trần Yến Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng xác nhận, còn nhiều hạn chế nhất định khiến cho phụ nữ, thông thường là đối tượng bị phụ thuộc, chịu nhiều phân biệt đối xử, bị BLGĐ từ chính những quan điểm về bình đẳng giới ràng buộc. Tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em gái vẫn còn diễn ra phức tạp. Tình trạng BLGĐ ở thành thị hay nông thôn đều có, trong đó ngày càng có nhiều vụ bạo lực tinh thần, áp lực tâm lý mà muốn chứng minh hành vi rất khó. Đó là còn chưa nói tình trạng, theo nhiều địa phương cho biết, việc xử lý phạt tiền khi phát hiện hành vi BLGĐ cũng chưa phù hợp. Chính quyền phạt ông chồng có hành vi đánh vợ, nhưng cuối cùng người đóng phạt vẫn là bà vợ. Vậy nên nhiều người “chịu đấm ăn xôi” chứ không kiện thưa đến chính quyền nữa. Từ lẽ đó, nhiều địa phương kiến nghị nên sửa đổi quy định phạt người có hành vi BLGĐ, phải “đánh” vào chính bản thân người đó như bắt làm lao động công ích, công khai hành vi trước cơ quan, xóm làng… hoặc nặng hơn là xử lý hình sự chứ không nên phạt tiền.

Thực tế cho thấy, khó khăn hiện nay trong quá trình tổ chức thi hành Luật PCBLGĐ còn ở chỗ chưa có chính sách hỗ trợ người bị BLGĐ để họ không bị phụ thuộc vào kinh tế của các thành viên khác trong gia đình. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ tham gia công tác PCBLGĐ và đội ngũ cộng tác viên dân số tham gia PCBLGĐ ở cơ sở chưa có. Cơ chế cụ thể để xây dựng và vận hành mạng lưới PCBLGĐ ở các cấp còn thiếu và yếu cũng không phát huy được hiệu quả.

baobaclieu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video