“ Thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển xã hội và nâng cao vị thế của phụ nữ”

11/02/2011
Nhìn lại thành tựu của chặng đường bình đẳng giới hơn 100 năm qua và những tồn tại lớn hiện nay về giới, cả nhân loại phải thừa nhận bình đẳng giới là cần thiết, là có thể thực hiện và thành quả của bình đẳng giới đã góp phần rất quan trọng vào sự tiến bộ chung của thế giới.

Ở Việt Nam, vấn đề Bình đẳng giới đã được Đảng và Nhà nước ta coi là một động lực và mục tiêu phát triển quốc gia. Mặc dù vậy, việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam còn đứng trước không ít khó khăn, thách thức.

Để góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp Hội PN Việt Nam và cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc thực hiện bình đẳng giới, nhân dịp kỷ niệm 1971 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 101 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ban Tuyên giáo phối hợp với Ban Quốc tế và Ban Chính sách – Luật pháp xây dựng Tài liệu Sinh hoạt Hội viên dưới dạng Hỏi – Đáp với chủ đề: “Thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển xã hội và nâng cao vị thế của phụ nữ”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

HỎI: Như thế nào là Giới tính, Giới và Bình đẳng Giới?

ĐÁP:

-Giới tính: Là sự khác biệt về mặt sinh học giữa nam giới và phụ nữ. Giới tính là những đặc điểm đồng nhất mà khi chúng ta sinh ra đã có và không thể thay đổi được.

- Giới: Là phạm trù chỉ quan niệm, vai trò và mối quan hệ xã hội giữa nam giới và phụ nữ. Xã hội tạo ra và gán cho trẻ em gái và trẻ em trai, cho phụ nữ và nam giới các đặc điểm giới khác nhau. Bởi vậy, các đặc điểm giới rất đa dạng và có thể thay đổi được.

- Bình đẳng giới:Là sự thừa nhận và coi trọng như nhau các đặc điểm giống và khác nhau giữa phụ nữ và nam giới.

Phụ nữ và nam giới có vị thế bình đẳng như nhau và cùng:

+ Có điều kiện bình đẳng để phát huy hết khả năng và thực hiện các nguyện vọng của mình.

+ Có cơ hội bình đẳng để tham gia, đóng góp và thụ hưởng các nguồn lực xã hội và thành quả phát triển.

+ Được bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

HỎI: Vấn đề bình đẳng giới đã được Thế giới quan tâm như thế nào? Những thành tựu đã dạt được và những khó khăn, thách thức hiện nay?

ĐÁP:

Từ những năm 70 của thế kỷ 20, những nhà đấu tranh vì quyền phụ nữ đã nhận thấy rằng vai trò của phụ nữ thường ít được nhìn nhận trong quá trình phát triển của xã hội. Thành quả được xem là của phụ nữ thường chủ yếu gắn với việc chăm sóc trẻ em, chăm sóc gia đình..., trong khi đó lại coi nhẹ vai trò, trách nhiệm và những đóng góp của phụ nữ vào nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhận thấy tầm quan trọng của những kết quả nghiên cứu này, Liên Hiệp Quốc đã triệu tập Hội nghị thế giới lần thứ nhất về Phụ nữ vào năm 1975 tại Mexico, tiếp theo đó là thập kỷ Phụ nữ từ năm 1975-1985 và sự ra đời của Quỹ Phát triển Liên Hiệp Quốc cho Phụ nữ (viết tắt là UNIFEM).

Cũng trong thời gian này, cộng đồng quốc tế đã thể hiện những cam kết quan trọng vì sự bình đẳng và quyền con người của phụ nữ bằng một văn bản mang tính pháp lý quan trọng, đó là sự ra đời của Công ước quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Công ước này đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn (1979) và có hiệu lực với tư cách là một văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp nhất và duy nhất chuyên để thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người của phụ nữ một cách tổng thể và hệ thống (1981). Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia Công ước vào 29/7/1980 và Hội đồng nhà nước phê chuẩn vào 27/11/1981.

Tiếp theo đó, vào năm 1995, Liên hiệp quốc triệu tập Hội nghị thế giới lần thứ tư về Phụ nữ tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và “lồng ghép giới” đã được cộng đồng quốc tế nhất trí coi là một biện pháp chiến lược để giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Vấn đề Bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ đã được coi là những mục tiêu quan trọng để đạt được sự phát triển bền vững và nâng cao địa vị của phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Kết quả của Hội nghị Bắc Kinh là sự ra đời của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh vì bình đẳng giới, phát triển và Hoà bình của Liên hợp quốc gồm 12 lĩnh vực cần quan tâm cho phụ nữ, do 189 quốc gia thành viên LHQ trong đó có Việt Nam thông qua và cam kết thực hiện. Theo đó, cứ 5 năm một lần, LHQ thông qua Uỷ ban địa vị Phụ nữ LHQ tổ chức hội nghị kiểm điểm việc thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh trên phạm vi toàn cầu. Đến nay đã có “Bắc kinh cộng 5” (năm 2000), “Bắc Kinh cộng 10” (năm 2005) và tháng 3/2010, LHQ tổ chức Hội Nghị “Bắc Kinh cộng 15” tại Niu Ooc- Mỹ, kết hợp Mit tinh kỷ niệm 100 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 với sự tham dự và chủ trì của Tổng thư ký LHQ.

Những cam kết quốc tế về Bình đẳng giới còn được củng cố thông quamột văn kiện quốc tế quan trọng khác đó là Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ- MDGs[1] là 8 mục tiêu được 189 quốc gia thành viênLiên hợp quốcnhất trí phấn đấu đạt được vào năm2015, trong đó có Mục tiêu số 3 nhấn mạnh việc “Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế của phụ nữ”.

Trải qua 4 thập kỷ đấu tranh vì bình đẳng Giới, cho đến nay thế giới có thể tự hào với những thành tựu nổi bật:

- Trong lĩnh vực tham chính: Trên thế giới hiện có 12 nữ tổng thống, thủ tướng. Thống kê của năm 2006 cho thấy, tỉ lệ phụ nữ tham gia quốc hội là 17%, tăng 11% so với 12 năm trước (Liên Minh Quốc Hội thế giới, 2006). Tại 35/262 quốc gia, phụ nữ được bầu vào vị trí Chủ tịch Quốc hội hoặc Hạ Nghị viện. Các nước có tỉ lệ phụ nữ tham gia cao trong quốc hội là Rwanda và Thụy Điển với gần 50%, Costa Rica, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch gần 40%, Canada: 35% , và Đức: 31,6%...

- Trong lĩnh vực Giáo dục Đào tạo: 32 quốc gia có nữ sinh viên cao hơn nam sinh viên đó là Phần Lan, tỷ lệ nữ sinh so với nam sinh viên là 139%, Na Uy - 116%, Pháp - 114%, Nhật - 66%, Iran - 47%, Togo- 22%. Tỷ lệ thoát nạn mù chữ của phụ nữ tại 3 nước: Uruguay, JamaicaNicaragua cao hơn so với nam giới

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thế giới hiện vẫn còn phải đối mặt với một số thách thức về vấn đề giới:

- Còn 55 quốc gia trong đó số ghế của phụ nữ tại nghị viện rất ít và thậm chí là chẳng có ghế nào. 0% tại Kuwait và nhiều nước Arập khác; 1% tại Hàn Quốc, Congo, Togo;2% tại Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Malta. Đa số các nước Ả rập chưa cho phụ nữ đi bầu cử, 42 quốc gia chưa ký Công ước CEDAW (chủ yếu là ở Châu Phi, Á và Ả rập).

- Chiếm tới 70% những người nghèo khổ trên thế giới (tổng số lên tới 1,3 tỷ) là phụ nữ. Ngay cả một nước tiến bộ như Mỹ, cũng có tới 62% người nghèo là phụ nữ, trong khi đó năm 1940 thì tỷ lệ này chỉ có 40%.

- Có 60% trong số 130 triệu trẻ em không được cắp sách đến trường là các bé gái. Trong số 900 triệu người mù chữ trên thế giới có 2/3 là phụ nữ

Điều nổi bật nhất là ở mọi độ tuổi phụ nữ đều làm việc nhà nhiều hơn nam giới.

HỎI: Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về bình đẳng giới được thể hiện như thế nào? Tình hình thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam ?

ĐÁP:Bình đẳng giới ở Việt Nam được Đảng và Nhà nước ta coi là một động lực và mục tiêu phát triển quốc gia, được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946 và được khẳng định trong Hiến pháp sửa đổi năm 1992 ( Điều 63).

Cho tới nay, Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế trong đó có Công ước về “Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW, năm 1980), Công ước quyền trẻ em (CRC, năm 1990) và tích cực thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh (năm 1995) vì “Bình đẳng, hòa bình và phát triển”. Bên cạnh đó, nhiều luật pháp, chính sách đã được ban hành hoặc được sửa đổi bổ sung tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho thực hiện bình đẳng giới và bảo vệ quyền phụ nữ, nổi bật là:

- Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam với mục tiêu “Nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của phụ nữ cũng như tạo điều kiện cần thiết để phụ nữ được hưởng quyền cơ bản của mình, tham gia và hưởng thụ một cách bình đẳng và đầy đủ trong mọi khía cạnh của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”;

- Sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động (năm 2002) về những nội dung liên quan đến chính sách đối với lao động nữ bao gồm bảo hiểm xã hội, tiền lương, bảo hộ lao động, đào tạo nghề…

- Luật đất đai sửa đổi quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở phải đứng tên cả 2 vợ chồng.

- Pháp lệnh phòng chống Mại dâm (năm 2003) và Chương trình hành động, phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em, xử lý nghiêm tội phạm và những biện pháp hỗ trợ nạn nhân.

- Luật Bình đẳng giới được ban hành ngày 29/11/2006 và Luật phòng chống bạo lực gia đình ban hành ngày 21/11/2007 thể hiện sự cam kết cao của Nhà nước trong thực hiện CEDAW, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về giới, tạo quyền và bảo vệ quyền phụ nữ.

Với hệ thống pháp lý ngày càng được hoàn thiện, nhận thức của xã hội về bình đẳng giới được nâng cao, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được cải thiện. Phụ nữ Việt Nam tham gia vào hầu hết các ngành nghề, có những ngành phụ nữ chiếm tỷ lệ cao như ngành giáo dục chiếm 60.9%, ngành Y tế 57.52%, ngành công nghiệp 50.32%, ngành Thương nghiệp dịch vụ chiếm 65.5%, Tài chính tín dụng 51.75%...

Phụ nữ cũng có những đại diện tham gia lãnh đạo trong hệ thống Đảng, trong cơ quan quản lý nhà nước và trong các cơ quan dân cử. Việt Nam đã có phụ nữ ở những vị trí lãnh đạo cấp cao như Ban Bí thư TW Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng, thứ trưởng và lãnh đạo trong UBND, Hội đồng nhân dân các cấp và với 25.7% trong quốc hội, Việt Nam được đánh giá cao về những thành tựu bình đẳng giới.

Mặc dù Việt Nam đã có một hệ thống pháp lý về bình đẳng giới tương đối đầy đủ song việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam còn đứng trước nhiều thách thức: Giữa luật pháp, chính sách và thực hiện trong thực tế còn một khoảng cách khá xa; Định kiến giới và nhiều vấn đề giới trong các lĩnh vực còn tồn tại; Ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế tác động không nhỏ đến thực hiện bình đẳng giới và phấn đấu của phụ nữ; Nguồn lực phân bổ cho hoạt động bình đẳng giới còn hạn chế...

HỎI: Hội LHPN các cấp và cán bộ, hội viên phụ nữ có trách nhiệm như thế nào trong việc thực hiện bình đẳng giới?

ĐÁP:

Trách nhiệm của Hội LHPN các cấp:

* Đối với cấp Trung ương:Có trách nhiệm chỉ đạo việc triển khai Luật Bình đẳng giới trong hệ thống Hội và có các văn bản đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ:

- Giao trách nhiệm cho các cơ quan có thẩm quyền dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bình đẳng giới.

- Giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm chủ trì giúp Chính phủ quản lý nhà nước về bình đẳng giới.

- Đăng ký chủ trì soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng về việc triển khai thi hành Luật bình đẳng giới; tham gia xây dựng 03 Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới và Nghị định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.

Cùng với công tác tham mưu, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tập trung các hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, như: Nghiên cứu, xây dựng và tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật Bình đẳng giới; Phổ biến, giáo dục Luật bình đẳng giới; Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật bình đẳng giới trong và ngoài nước; Trao kỷ niệm chương và bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã đóng góp xây dựng Luật bình đẳng giới; Thực hiện phản biện xã hội và góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới; Tổ chức hội thảo về công tác cán bộ nữ tại 3 miền Bắc - Trung - Nam.

* Đối với cấp tỉnh, huyện, xã:Có báo cáo nội dung cơ bản của Luật bình đẳng giới cho các sở, ngành, đoàn thể; Đồng thời tổ chức quán triệt nội dung cơ bản của Luật tới cán bộ, hội viên dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như:

- Hình thành các mô hình sinh hoạt lồng ghép tổ nhóm hoặc câu lạc bộ phụ nữ với vấn đề bình đẳng giới; Tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm phụ nữ về các chủ đề liên quan đến bình đẳng giới; Tổ chức thi tìm hiểu luật dưới nhiều hình thức.

- Tổ chức các diễn đàn trao đổi về bình đẳng giới trong các lĩnh vực.

- Tham gia tổ chức các cuộc tập huấn trang bị kiến thức và kỹ năng lồng ghép giới cho thành viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cùng cấp.

- Phân phát kịp thời và đầy đủ tài liệu về bình đẳng giới đến cán bộ, hội viên phụ nữ

Trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ:

- Tích cực học tập nâng cao hiểu biết, nhận thức về giới và bình đẳng giới; đồng thời là thành viên tích cực tuyên truyền về bình đẳng giới nhằm góp phần nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới.

- Gương mẫu thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện các hành vi đúng mực về bình đẳng giới;

- Chia sẻ công việc gia đình cùng chồng con, các thành viên trong gia đình để có thêm thời gian nghỉ ngơi, giải trí, chăm sóc sức khoẻ, tham gia học tập nâng cao trình độ về mọi mặt và trình độ chuyên môn nghề nghiệp;

- Tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng, xã hội, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, quan tâm, ủng hộ giúp đỡ những phụ nữ khó khăn, yếu thế vươn lên trong cuộc sống.

- Phê phán, ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử về giới; ủng hộ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm góp phần tăng tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhà nước.

- Giám sát việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới của cộng đồng, của cơ quan, tổ chức và công dân./. 

Ban Tuyên giáo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video