“Mỗi lần giúp được một người, tôi vui lắm!”

12/08/2020
Đó là chia sẻ của chị Ngô Thị Bạch Tuyết, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố 5, phường 13, quận 6 (TPHCM), tại cuộc giao lưu Chi hội trưởng giỏi TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ vừa diễn ra ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chị Ngô Thị Bạch Tuyết

Cách đây 4 năm vào một sớm tinh mơ, chị Ngô Thị Bạch Tuyết nghe tiếng gõ cửa rất gấp, linh tính như mách bảo có chuyện chẳng lành. Quả đúng như vậy, người trong khu phố cho biết, một phụ nữ là vợ của một thanh niên xung phong bất ngờ bị tai biến nhưng không đủ tiền để điều trị. "Người ta cầu cứu mình thì chắc cùng đường rồi", nghĩ vậy, chị Tuyết gác mọi chuyện riêng, ngay lập tức tìm cách nhờ người đưa người bệnh vào bệnh viện. Xin ý kiến và được Bí thư khu phố 5 đồng ý, chị vận động người dân trong khu phố "của ít lòng nhiều". Hơn 10 triệu đồng đã được các "mạnh thường quân" đóng góp, giúp đôi vợ chồng không may ấy qua cơn hiểm nghèo.

"Bây giờ nhắc lại, tôi không biết dùng lời lẽ nào cho hết được ơn đức của chị ấy", anh Trần Văn Sơn (đường Bà Hom, phường 13, quận 6) tâm sự. Anh cho biết, mình ra tù xin việc ở đâu cũng không được vì ngoài cái ngại về "người vừa ở tù ra" thì bản thân anh không có chứng minh nhân dân. "Biết chuyện, chị ấy gõ cửa nhiều nơi, bảo lãnh cho tôi làm được giấy tờ tùy thân. Nhờ thế, tôi mới có việc và cuộc sống ổn định hai năm nay", anh Sơn thổ lộ.

Chị Ngô Thị Bạch Tuyết (trái) tại Hội nghị giao lưu chi hội trưởng tiêu biểu TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ

Ở Khu phố 5, còn nhiều hoàn cảnh khác được chị Tuyết giúp qua cơn ngặt nghèo, giúp vốn làm ăn. Ai cũng cho rằng, đó là ân nhân, là "vị cứu tinh" của gia đình mình. "Vì không có chị, tôi không thể nào trả món vay tín dụng "đen" 20 triệu đồng, mỗi ngày trả lãi 1 triệu đồng. Vợ tôi bị bạo bệnh, không còn cách nào khác tôi phải vay ngoài. Trả không nổi, người ta dí tôi. Thật may, chị Tuyết bỏ tiền túi cho tôi mượn 7 triệu để giải quyết nợ trước mắt. Chị còn giúp tôi làm thủ tục vay ngân hàng chính sách để trả hết gốc cho tín dụng "đen". Không có chị, vợ chồng tôi không biết giờ này thế nào", ông Trần Ngọc Hạnh rơm rớm nước mắt kể.

Làm đẹp cho gia đình hội viên

TPHCM với hơn 10 triệu dân luôn khổ sở vì nạn rác thải. Khi tiếp thu Chỉ thị 19 ngày 19/10/2018 của Thành ủy TPHCM về "không xả rác ra đường và kênh rạch...", chị Tuyết nảy ra ý tưởng học cách làm hoa nhựa tận dụng từ túi nhựa và chai nhựa đã qua sử dụng, vốn là một loại rác nguy hại. Chị vừa học, vừa thuyết phục và hướng dẫn hội viên. Những chậu hoa xinh xắn đã lôi cuốn nhiều hội viên tham gia. Từ chỗ vài người nay đã lên đến 53 hội viên và 21 em nhỏ nhận thấy việc làm ý nghĩa này nên hứng thú đồng hành. Có hơn 100 sản phẩm hoa nhựa được làm ra để bán và trang trí nhà cửa. Chị Tuyết còn được Hội LHPN phường 13 tổ chức lớp để truyền đạt cách làm. Từ đó, phong trào xử lí rác thải túi ni lông, bình, chai nhựa thành hoa nhanh chóng lan tỏa ra cả phường. "Từ ý tưởng của chị Tuyết mà chúng tôi có phong trào góp phần làm sạch ngõ, đẹp nhà. Chúng tôi khảo sát thì thấy, số hội viên tham gia sinh hoạt của Chi hội 5 tăng đến 13% so với trước. Chị Tuyết truyền đạt các nội dung trong chương trình công tác Hội cũng được nhiều người hưởng ứng, nghe theo", bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Chủ tịch Hội LHPN phường 13, cho biết.

Sản phẩm hoa được làm từ túi nhựa và chai nhựa đã qua sử dụng từ ý tưởng của chị Ngô Thị Bạch Tuyết

Để thu hút hội viên, chị Tuyết còn xây dựng mô hình "Điểm sáng văn hóa hội". Chị cùng ban điều hành khảo sát, chọn những điểm bán nước giải khát do hội viên làm chủ, có vị trí giao lưu rộng, có không gian đủ tập trung số hội viên trong tổ. Ở những nơi đó, chị bố trí các kệ để tài liệu, báo để các tổ sinh hoạt.

Hàng ngày mang đến bao nụ cười cho mọi người nhưng bản thân chị Tuyết đang chống chọi với căn bệnh ung thư. Năm 2016, chị Tuyết phát hiện bị ung thư. Một năm sau, chị xin thôi việc chi hội trưởng để tập trung chữa bệnh. Sau đó, vì nặng tình với phụ nữ còn khó khăn, chị quay trở lại làm công tác Hội. Căn bệnh trở nặng, chị lại xin nghỉ. Nhưng lần này, cả gia đình đồng lòng khuyên chị đừng từ bỏ công việc. Chị đã nghe theo và hết lòng với nó. "Mỗi lần giúp được một người, mang lại một điều gì đó cho hội viên, tôi vui lắm. Niềm vui của họ lan tỏa sang niềm vui của mình. Tôi thấy cuộc sống mình có ý nghĩa và sẽ làm đến khi nào không còn sức nữa thì thôi", chị Tuyết tâm sự.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video