"Phụ nữ kiếm nhiều tiền hơn chồng cũng có nguy cơ bị bạo lực"

19/07/2022
Thông tin được bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA), chia sẻ khi đề cập đến những xu hướng mới về tình trạng bạo lực.
Ảnh minh họa

Những phát hiện mới về tình trạng bạo lực

Tại buổi Tập huấn cung cấp nội dung, kỹ năng truyền thông về chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vừa mới diễn ra tại Hạ Long, do UNFPA phối hợp với Tổng cục dân số tổ chức, bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia về giới và nhân quyền - Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), cho biết, các nghiên cứu về tình trạng bạo lực chỉ ra rằng, tình trạng bạo lực có liên quan đến ký ức tuổi thơ. Người chồng nếu tuổi thơ từng sống trong một gia đình mà phải chứng kiến những hành vi bạo lực từ bố mẹ thì lớn lên sẽ có xu hướng bạo lực bạn đời nhiều hơn những người mà tuổi thơ được sống trong môi trường yên ấm, không có bạo lực.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA), cho biết, trong thời đại xã hội phát triển, tình trạng bạo lực đã ghi nhận những xu hướng, biến thể mới. Ngày nay, phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn chồng cũng có nguy cơ bị bạo lực.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA)

Qua các phương tiện truyền thông, hiện tại hiểu biết về bạo lực của cả nam giới và phụ nữ đã được cải thiện song tư tưởng nam quyền vẫn đang rất nặng nề, ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt Nam, dẫn đến tình trạng một bộ phận người chồng/bạn tình có nhiều mưu mô trong việc đối phó, che đậy hành bi bạo lực. Chẳng hạn, nhiều ông chồng lôi vợ vào góc khuất, tránh camera để đánh vợ. Hay ngồi trên bàn nhậu, đấng mày râu tuyên bố "thằng nào đánh vợ mà để lại dấu vết là thằng ngu".

10 năm qua, tình trạng bạo lực giới đã thay đổi thế nào?

Qua 2 cuộc nghiên cứu về tình trạng bạo lực diễn ra tại Việt Nam, các chuyên gia chỉ ra rằng, tình trạng bạo lực với phụ nữ "thay đổi rất ít" trong 10 năm qua.

Theo đó, trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra năm 2019 thấp hơn so với năm 2010. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác trong đời năm 2019 (26,1%) ít hơn so với năm 2010 (31,5%). Điều này rõ ràng hơn với nhóm phụ nữ trẻ.

Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời năm 2019 (13,3%) cao hơn so với năm 2010 (9,9%). Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18 - 24 (13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010).

Theo bà Hà Thị Quỳnh Anh, điều này có thể phản ánh sự gia tăng của tình trạng bạo lực nhưng cũng có thể là kết quả của sự thay đổi xã hội mà ở đó phụ nữ cởi mở hơn khi nói về chủ đề tình dục và bạo lực tình dục. Trong tương lai cần có nghiên cứu và phân tích sâu hơn để xác định được đúng xu hướng này.

Trước những vấn đề mới đặt ra trong việc phòng chống bạo lực, ông Lê Khánh Lương, quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục nâng cao năng lực và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát; Duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường các hoạt động xử lý vi phạm đối với hành vi bạo lực trên cơ sở giới...

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video