Đồng Tháp: Nữ bác sĩ yêu nghề bằng cả trái tim

24/06/2020
Khi tôi đến nơi chị làm việc thì thấy bác sĩ Võ Thị Kim Oanh đang trao đổi cùng người nhà bệnh nhân qua đường dây nóng của Sở Y tế, tỉnh Đồng Tháp, lúc đó vài người che áo mưa cũng đến tìm chị sau giờ làm việc để được tư vấn sức khỏe. Tuy bận rộn nhưng bác sỹ Oanh luôn điềm đạm, chu đáo, ân cần với các bệnh nhân.
Chân dung bác sĩ Oanh

Nhà chị có 05 anh chị em, ba và chị gái hy sinh chiến trong kháng chiến chống Mỹ, mẹ chị năm nay vừa tròn 90 tuổi, được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Năm 1986, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Y sĩ (trường Trung cấp Y tế cũ), chị Oanh về công tác tại huyện Cao Lãnh được 27 năm và giữ các chức vụ: Trưởng trạm Y tế xã Phương Trà, Phó Giám đốc bệnh viện huyện. Để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, chị tiếp tục thi rồi đậu vào học bác sĩ Chuyên khoa I đến Chuyên khoa II.

Cuối năm 2013, chị được điều động về công tác tại Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, là Trưởng phòng nghiệp vụ Y.

Với vai trò là quản lý, chị luôn luôn gương mẫu chủ động giải quyết công việc mang tính khẩn cấp cho kịp tiến độ. Đối với công việc có tính lâu dài, chị luôn tạo điều kiện để cấp dưới phát triển năng lực và sự tin tưởng khi phân công giao việc. Theo chị, sự chỉ dẫn tận tình thì đội ngũ kế thừa sẽ phát huy truyền thống y đức để khi lớp người đi trước như chị về hưu, các em sẽ vững về chuyên môn, tự tin trong công tác.

Chia sẻ về một kỷ niệm ấn tượng trong cuộc đời làm ngành y của mình, chị Oanh kể khi còn là Trưởng Trạm y tế xã Phương Trà, chị đã cứu sống ca phụ sản mang ngôi thai ngược. Đối với trường hợp này đa số được chỉ định mổ để tránh nguy hiểm cho bé và tổn thương cho mẹ bởi sinh thường sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, ca đẻ hôm đó vào giữa đêm khuya, người mẹ đã kiệt sức không thể chuyển lên tuyến trên được, chị Oanh đã quyết định giữ sản phụ lại và tập trung chuyên môn cao độ, cuối cùng chị đã cứu được em bé, ca sinh khó thành công. Nhìn mẹ tròn con vuông, chị thở phào nhẹ nhõm, cảm thấy rất vui khi hoàn thành sứ mệnh “lương y” của mình.

Chị chia sẻ: “Khi xã hội vinh danh cho mình là lương y, mình không nghĩ mình là người được ban ơn mà luôn đặt mình vào vị trí của người bệnh. Vì họ giao sinh mệnh và gửi gắm niềm tin cho chúng ta do đó phải làm sao thật xứng đáng không để người dân thất vọng khi đến cơ sở y tế”.

Trong quá trình công tác, chị Oanh không ngừng học hỏi, nghiên cứu tìm tòi cái mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Những đóng góp của chị được Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh đánh giá cao. Nhiều năm liền Phòng nghiệp vụ Y được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích tập thể Lao động xuất sắc. Hàng năm chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năm 2014 chị được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vinh dự được tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Bác sĩ Oanh (bìa trái) cùng đoàn kiểm tra phòng chống dịch Corona ở Cửa khẩu Biên giới Thường Phước

Là người trực tiếp quản lý đường dây nóng của Sở, chị phải chịu áp lực rất cao, bất kể thời gian nào kể cả thứ bảy, chủ nhật hay nửa đêm, khi có người gọi đến là chị bắt máy ghi nhận thông tin, sau đó xác minh sự việc tại các cơ sở tiếp nhận bệnh nhân. Có những lúc người nhà bệnh nhân dùng lời lẽ gay gắt, trút sự giận dữ, bực dọc vào chị nhưng với lòng nhân hậu, chị luôn thông cảm cho người dân, hiểu tâm lý khi gia đình có người bị bệnh đến cấp cứu tại cơ sở y tế muốn được cứu chữa kịp thời và nhanh nhất. Chị ôn tồn giải thích cho họ hiểu việc điều trị phải theo quy trình chặt chẽ của ngành y. Chính từ sự nhã nhặn, thân thiện và quan tâm với bệnh nhân nên khi ai đến khám, chữa bệnh cũng thường yêu cầu bác sĩ Oanh. Tiếng lành đồn xa, một số bệnh nhân các tỉnh cũng tìm đến chị ngày càng đông để được tư vấn và kê toa.

Chị suy nghĩ: “Mỗi vị trí công tác đều có những va chạm khác nhau, nhưng khi đã xác định được tầm quan trọng của nó, mình mới có tình yêu với nghề. Làm việc bằng cả cái tâm để xử lý những tình huống xảy ra”.

Với sự đóng góp nỗ lực của bác sĩ Oanh, nhiều năm liên tục tại tỉnh Đồng Tháp, an toàn thực phẩm được quản lý, kiểm tra chặt chẽ, không có trường hợp nào xảy ra ngộ độc thức ăn nhất là ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện; không để xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính; Công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em được quản lý, không để xảy ra tai biến sản khoa sau khi sinh”…

Chị đại diện cho những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm cống hiến, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần mang đến những giá trị tốt đẹp, tô điểm thêm truyền thống của ngành y, xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Bác Hồ trao tặng “Lương y như từ mẫu”.

Phạm Thị Kim Chi

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video