Đảm bảo công bằng, bình đẳng cơ hội tiếp cận chương trình phục hồi kinh tế - xã hội

05/01/2022
Tại phiên thảo luận tại tổ chiều 4/1, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cần bổ sung thêm quan điểm cần đảm bảo bình đẳng, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, phát biểu tại tổ chiều 4/1. Ảnh HH

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội thảo luận tại tổ về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại phiên thảo luận tại tổ 6, bà Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ đồng tình cần thiết ban hành Nghị quyết về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Để tăng cường hiệu quả hơn nữa trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đại biểu kiến nghị bổ sung thêm những đánh giá tác động rất cụ thể của từng giải pháp; qua đó thực hiện các giải pháp hiệu quả nhất trong thời gian tới.

Về công tác phòng chống dịch, theo lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, nội dung dự kiến chi cho phòng chống dịch, đầu tư mới, cải tạo, sửa chữa, hiện đại hóa hệ thống cơ sở y tế, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện cấp trung ương được bố trí 14 ngàn tỷ đồng. Mục tiêu của chính sách là nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế tuyến cơ sở, y tế dự phòng. Vì vậy, trong bối cảnh còn hạn chế nguồn lực, trước mắt cần tập trung cho y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Về an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị cần có đánh giá tác động cụ thể với các giải pháp về hỗ trợ lãi suất, cấp bù lãi suất, cho vay ưu đãi để tạo việc làm; vay ưu đãi để thuê, mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; vay ưu đãi học sinh sinh viên; bổ sung nguồn vốn tín dụng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Qua đó cần làm rõ về phạm vi, nhu cầu của các đối tượng vay vốn, mức vay, để mở rộng hơn nữa phạm vi, đối tượng được hỗ trợ và nâng mức vay tín dụng ưu đãi với các đối tượng chính sách xã hội.

Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân, người lao động, dự kiến áp dụng cho khoảng 4 triệu lao động có giao kết hợp đồng lao động tại doanh nghiệp, khu kinh tế - khu công nghiệp với tổng kinh phí 6,6 ngàn tỷ đồng. Theo đại biểu, quy mô chính sách có diện bao phủ còn hẹp, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ trong số lao động cần thuê nhà. Thực tế cho thấy, chính sách mới chỉ tập trung cho nhóm có quan hệ lao động khu vực chính thức. Trong khi đó, chưa áp dụng với nhóm lao động khu vực phi chính thức – đây lại là nhóm rất cần được quan tâm, bởi việc làm không ổn định, thu nhập thấp, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang. Ảnh HH

Còn tại Tổ 8, bày tỏ đồng tình với Chính phủ có gói giải pháp tài khoá, tiền tệ, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, cho rằng, cần bổ sung thêm quan điểm cần đảm bảo bình đẳng, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực một cách hợp lý, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, đảm bảo công khai, minh bạch.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, đại dịch Covid-19 tác động rất sâu sắc tới mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là tác động nặng nề hơn với một số nhóm đối tượng như người nghèo, người yếu thế, lao động khu vực phi chính thức, lao động tự do, những người mất việc làm, thu nhập ít hơn, không tham gia BHXH và ít được tiếp cận tới các cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, doanh nghiệp có đông lao động nữ, doanh nghiệp nữ làm chủ chịu thiệt hại nhiều hơn; có thời điểm tỷ lệ phải tạm ngừng một phần hoặc ngừng toàn phần hoạt động kinh doanh cao gấp đôi so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ.

Các đoàn ĐBQH họp tại các điểm cầu địa phương

Theo đại biểu, các nhóm giải pháp cho thấy sự phân bổ vẫn tập trung nhiều hơn vào đầu tư hạ tầng cơ sở. Còn chính sách hỗ trợ trực tiếp cho an sinh xã hội và người lao động vẫn hẹp; phạm vi đối tượng còn hạn chế. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị bổ sung thêm việc đảm bảo phân bổ nguồn lực công bằng, bình đẳng trở thành quan điểm xuyên suốt, để chương trình thực sự đạt được mục tiêu là tạo động lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, không để một ai, một nhóm đối tượng, ngành và địa phương nào bị bỏ lại phía sau.

Báo PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video