Đà Nẵng: Thay đổi thói quen của hội viên, phụ nữ trong phân loại rác, giúp bảo vệ môi trường

29/08/2020
Với vai trò là người đứng đầu Hội LHPN phường Thanh Khê Tây (TP Đà Nẵng), chị Lê Thị Tuyết Vân đã trăn trở tìm ra các giải pháp thực hiện mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn”, bảo vệ môi trường thành phố xanh - sạch - đẹp.
Mô hình phân loại rác thải nhận được sự hưởng ứng của người dân

Khó khăn từ thói quen đổ rác của người dân

Chị Tuyết Vân cho biết, Hội LHPN phường Thanh Khê Tây có 17 chi hội Phụ nữ khu dân cư với 2.182 hội viên. Khi mô hình "Phân loại rác thải tại nguồn" được Hội LHPN thành phố Đà Nẵng phát động, Hội LHPN quận Thanh Khê đã lập tức triển khai đến Hội LHPN các phường trên địa bàn quận.

Thời gian đầu triển khai mô hình trên tại địa bàn phường Thanh Khê Tây gặp nhiều khó khăn trong phân loại rác thải. Theo chị Tuyết Vân, một trong những nguyên nhân là do người dân chưa quen với việc "để dành" rác tài nguyên, thường bỏ rác thải tài nguyên cùng các loại rác thải sinh hoạt hàng ngày; địa điểm tập kết rác tài nguyên không có. Từ những khó khăn này, chỉ có 2 đến 3 chi hội thực hiện nhưng không thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Nhiều hoạt động vì môi trường đã diễn ra sôi nội tại phường Thanh Khê Tây dưới sự khởi động của chị Tuyết Vân

"Sau này các cấp hội đã xây dựng mô hình "Nói không với rác thải nhựa" theo chủ trương của Hội LHPN thành phố; mô hình "Thanh Khê – quận môi trường" của quận Thanh Khê và gần đây thực hiện chủ đề năm của Quận ủy Thanh Khê "Trật tự xã hội, mỹ quan đô thị", việc xử lý rác thải mới có chút khả quan", chị Tuyết Vân cho biết

Nhưng để tuyên truyền được cách thức, tổ chức, cũng như làm thay đổi được thói quen của người dân không phải dễ dàng. Không phải cứ có chủ trương là nhà nhà, người người thực hiện, bởi thế, phải làm sao để mô hình, cách thức thực hiện đi đến từng người dân, trở thành một thói quen, thì khi đó mới được coi là có hiệu quả.

Sau nhiều ngày trăn trở, chị Tuyết Vân đã lên kế hoạch cùng các chi hội tổ chức tuyên truyền đến 100% hội viên phụ nữ, động viên khuyến khích các gia đình hội viên tham gia mô hình "Phân loại rác thải tại hộ gia đình". Thiết thực hơn, sáng chủ nhật hàng tuần, chị tổ chức cho các chị em trong ban cán sự chi hội đẩy xe thu gom rác đi từng ngõ, đến từng nhà để nhận những túi rác tài nguyên, dần hình thành thói quen cho các gia đình. 

Ngoài ra, một số chi hội có những sáng kiến thu gom đạt hiệu quả như chi hội 4B, 8, 12, 17… Các chi hội đã vận động nhân dân khi có rác tài nguyên thì đem trực tiếp đến tập kết phế liệu tại khu vực, sau đó ghi vào sổ, đến cuối tháng các chị trong ban cán sự chỉ đến chốt số tiền.

"Mô hình này sẽ giúp hạn chế lượng rác thải ra môi trường, bên cạnh đó còn gây được quỹ để giúp đỡ các trường hợp khó khăn", chị Vân cho biết.

Sáng kiến bảo vệ môi trường

Tuy đã triển khai tốt nhiều mô hình, nhưng đứng trước thực tại ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng như hiện nay, với vai trò là người đứng đầu của Hội LHPN phường Thanh Khê Tây, chị Vân vẫn luôn trăn trở, tìm ra các biện pháp bảo vệ môi trường.

Triển khai phân loại rác thải tại nguồn

Năm 2019, qua thực tế và qua nghiên cứu, chị đã đưa ra sáng kiến kinh nghiệm về "Quản lý chất thải rắn bằng phân loại và tái chế rác thải tại nguồn". Sáng kiến của chị được công nhận và ủng hộ của UBND quận. Từ đó, chị mạnh dạn tham mưu cho UBND phường ra quyết định thành lập Tổ tuyên truyền "Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế" trên địa bàn phường với 9 thành viên do chị làm Tổ trưởng.

Trên cương vị này, chị đã tổ chức một lớp tập huấn về quản lý chất thải rắn, phân loại rác tại nguồn cho cán bộ phường, nhóm nòng cốt và khu dân cư trên địa bàn phường; 9 điểm tuyên truyền ở khu dân cư về phân loại rác tại nguồn nhằm thực hiện tốt phong trào "Chống rác thải nhựa – giảm thiểu sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần"; tổ chức 3 đợt quy đổi rác tài nguyên với hơn 75kg túi nilon thân thiện với môi trường và nhiều phần quà khác như chai thủy tinh, cặp lồng, túi xách tái chế từ bạt… với số tiền 28.016.000; trang bị 1.085 thùng sơn tái chế cho hội viên, phụ nữ, 10 xe đẩy cho chi hội sử dụng để phân loại rác tài nguyên. Đến nay 17/17 chi hội trong phường đã tổ chức thực hiện.

Chị Tuyết Vân cảm thấy hạnh phúc vì góp phần nâng cao ý thức của người dân trong phân loại rác thải

Ngoài ra, với mô hình "Cơ quan không chai nhựa", chị đã chỉ đạo thực hiện việc không sử dụng chai nhựa dùng một lần để đựng nước uống trong các cuộc họp, tiếp khách; chỉ đạo các chi hội khu dân cư thực hiện và tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ hạn chế sử dụng chai nhựa một lần, sử dụng bình và ly thủy tinh trong các cuộc họp. Hội LHPN phường đã trang bị 400 chai thủy tinh đựng nước uống cho phòng lãnh đạo, cán bộ, công chức, các chi hội và hội viên phụ nữ phường để tạo thói quen và dần thay đổi ý thức sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài công tác hội, bản thân chị Tuyết Vân còn đảm nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch công đoàn, Trưởng ban Kinh tế Hội đồng nhân dân phường. Qua các năm, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, chị đã nhận được nhiều khen thưởng của cấp Quận và các cấp Hội

Nhưng điều mà chị cảm thấy hạnh phúc nhất chính là qua công tác bảo vệ môi trường, các cấp hội phụ nữ phường Thanh Khê Tây không chỉ góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác thải, phòng chống rác thải nhựa, mà còn từ việc phân loại rác thải có thể gây quỹ giúp đỡ hội viên khó khăn.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video