Đà Nẵng: Tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực gia đình

05/05/2022
Ngày 8/4/2022, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực để từng bước giảm dần bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình trên địa bàn.

Theo đó, Kế hoạch đặt mục tiêu đạt 50% số hộ gia đình tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) do UBND phường, xã tổ chức tại các thôn, tổ dân phố. Phấn đấu đạt 50% các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của thành phố có chuyên mục về PCBLGĐ được phát sóng định kỳ. Đạt trên 70% người có nguy cơ bị bạo lực gia đình được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị bạo lực gia đình.

Phấn đấu đạt 95% người bị bạo lực gia đình khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe; trên 80% người có hành vi bạo lực gia đình khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực. Đội ngũ cộng tác viên dân số trên địa bàn thành phố thực hiện các nhiệm vụ về PCBLGĐ tại cộng đồng phấn đấu đạt 90%; 100% phường, xã duy trì Mô hình PCBLGĐ. Đạt 100% người trực tiếp tham gia PCBLGĐ các cấp được được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về PCBLGĐ.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ như: hoàn thiện pháp luật, chính sách về PCBLGĐ; tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp liên ngành giữa các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch; xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình; tổ chức truyền thông về PCBLGĐ phù hợp với từng đối tượng, văn hóa của địa phương, đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác PCBLGĐ các cấp, các ngành; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm vận động nguồn lực, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về PCBLGĐ; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật về PCBLGĐ.

UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch; xây dựng truyền thông về PCBLGĐ; thực hiện Đề án chuyển đổi số dữ liệu PCBLGĐ, điều tra quốc gia về PCBLGĐ theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hướng dẫn các địa phương rà soát, kiện toàn lại Mô hình PCBLGĐ trong giai đoạn mới. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch; tổ chức tổng kết việc thực hiện Kế hoạch và xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo.

Đồng thời, hướng dẫn quy trình tiếp nhận, xử lý vụ việc bạo lực gia đình; quy trình bảo vệ an toàn, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, cung cấp và tư vấn thông tin về quyền, nghĩa vụ cho người bị bạo lực phân theo nhóm đối tượng theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác phòng, chống bạo lực cho đội ngũ thực hiện công tác PCBLGĐ quận/huyện, phường/xã. Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực đối với trẻ em trong môi trường gia đình; lồng ghép việc tiếp nhận, xử lý thông tin về các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình trên Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội 02362214668 và Tổng đài 1022 của thành phố.

Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện lồng ghép kiến thức PCBLGĐ vào chương trình giáo dục, đào tạo của các cấp học, bậc học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chủ trì công tác tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục. Trong đó, chú trọng công tác giáo dục lối sống, kỹ năng sống; kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thông tốt đẹp của gia đình Việt Nam; công tác giáo dục PCBLGĐ trong các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp xây dựng tài liệu, chỉ đạo tập huấn đào tạo đội ngũ hòa giải viên cơ sở trong việc PCBLGĐ. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời trợ giúp pháp lý cho người bị bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật.

UBND thành phố đề nghị Tòa án nhân dân thành phố tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người tham gia xét xử các vụ án về bạo lực gia đình. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về PCBLGĐ; khuyến khích, vận động hội viên tham gia nhân rộng mô hình PCBLGĐ. Đồng thời, đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chủ trì, phố phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt Quyết định số 1006/QĐ- UBND ngày 29/3/2021 của UBND thành phố về phê duyệt Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2035”.

UBND các quận, huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch của địa phương để triển khai thực hiện Kế hoạch này; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của địa phương. Ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện Kế hoạch; chỉ đạo thực hiện việc phổ biến chính sách luật pháp về PCBLGĐ lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của tổ, thôn; nhân rộng các mô hình PCBLGĐ ở địa phương. Triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số thực hiện công tác gia đình tại các thôn, tổ dân phố; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và chỉ đạo xử lý nghiêm, kịp thời các vụ việc bạo lực gia đình trên địa bàn.

danang.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video