Nữ tướng Nguyễn Thị Định: “Linh hồn” của phong trào Đồng Khởi
16/01/2020
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Phó Tư lệnh giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho dân tộc ta”. Những người từng biết đến nữ tướng Nguyễn Thị Định vẫn gọi bà bằng cái tên đầy trìu mến “bà Ba Định”.
Chân dung nữ tướng Nguyễn Thị Định
Quê hương Bến Tre những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khi chỉ còn ít ngày nữa là tròn 60 năm phong trào Đồng Khởi, những ký ức về một thời hoa lửa, về những chiến tích lẫy lừng của đội quân tóc dài mà gắn liền với đó là tên tuổi của nữ tướng Nguyễn Thị Định (15/3/1920 - 26/8/1992) lại ùa về trong hồi ức của những người con Đồng Khởi nhiều hơn bao giờ hết.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định
Trong căn nhà nhỏ nằm ngay trong TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre, bà Nguyễn Thị Khao (90 tuổi, bí danh Út Thắng) - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo đấu tranh chính trị tỉnh Bến Tre vẫn nhớ rõ về những kí ức hào hùng năm xưa.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Bình Hòa - Giồng Trôm anh hùng, 15 tuổi, Út Thắng đã tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với vai trò là cán sự phụ nữ ấp, thư ký Ban chấp hành Phụ nữ xã. 19 tuổi, bà vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam . Trong phong trào Đồng Khởi, bà Út Thắng đã trực tiếp lãnh đạo lực lượng chiếm đồn Cầu Đất, Ngãi Đăng, An Định (nay là Mỏ Cày Nam).
Khi nhắc đến nữ tướng Nguyễn Thị Định, bà Út Thắng kể, vào năm 1959, bà được cấp trên điều chuyển từ huyện Châu Thành qua Mỏ Cày để tiếp tục đấu tranh. "Tôi gặp bà Ba Định tại nhà bà Năm "khùng". Nhớ có lần bị giặc càn, tôi cùng bà Ba Định phải xuống hầm. Khi xuống thì phát hiện hầm không có lỗ thông hơi, rất nguy hiểm. Khi đó, bà Ba Định và tôi đã nhanh trí lấy chiếc khăn mùi xoa kê nắp hầm, may mắn là địch không phát hiện ra", bà kể.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định với các nữ đại biểu dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ II (tháng 9/1967)
Tình hình miền Nam từ giữa năm 1959 bắt đầu rơi vào khủng hoảng kéo dài. Giữa lúc ấy, Hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II) đã phân tích những đặc điểm tình hình và xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam. Theo bà Út Thắng, bà Ba Định là người trực tiếp đi tiếp thu Nghị quyết 15. Lúc đó, vì giao liên bị chia cắt, khó khăn trăm bề nên việc tổ chức cuộc họp Tỉnh ủy là điều rất khó khăn. Bà Ba Định đã quyết đoán tập hợp một số cán bộ chủ chốt để triển khai thực hiện nghị quyết, chớp thời cơ để đấu tranh kịp thời.
Nữ tướng bình dị nhưng kiên cường và quyết liệt
Đêm ngày 17/1/1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bến Tre, nhân dân huyện Mỏ Cày đã nổi dậy khởi nghĩa đồng loạt mở đầu cho một cao trào mới. Với cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bà Ba Định vừa chỉ đạo lực lượng vũ trang đánh địch chống càn, vừa huy động lực lượng quần chúng đấu tranh binh vận, đấu tranh chính trị với phương châm "Ba mũi giáp công" và thành lập nên "Đội quân tóc dài". Tên tuổi của bà gắn với phong trào Đồng khởi Bến Tre, với "Đội quân tóc dài" kể từ đó.
Bà Út Thắng cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bến Tre, của bà Ba Định, phong trào Đồng Khởi có rất nhiều sáng tạo. Phong trào sử dụng vũ trang không nhiều nhưng biết sử dụng mưu lược, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để tiêu diệt được nhiều đồn bốt địch, giành nhiều thắng lợi.
"Nếu nói về vai trò của bà Ba Định đối với phụ nữ Bến Tre thì chắc chắn không ai qua được bà, nhất là trong phong trào Đồng Khởi. Bà Ba Định là một người phụ nữ bình dị, kiên cường, giàu tình cảm và rất quyết liệt", bà Út Thắng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo đấu tranh chính trị tỉnh Bến Tre"
Riêng bản thân, bà Út Thắng cũng đã nhiều lần phải đối mặt với lằn ranh sinh tử. Lúc đầu, bà Út Thắng hoạt động công khai nhưng sau nhiều lần bị địch phục kích, thấy khả năng bị lộ nên Tỉnh ủy Bến Tre chỉ đạo bà rút vào hoạt động bí mật. Bà kể, có rất nhiều khi cận kề với cái chết, bị đánh đập không biết bao nhiều lần nhưng bà hoàn toàn không sợ hiểm nguy. Chị em phụ nữ lúc đó rất "ghiền" đấu tranh, không sợ bất cứ điều gì cả.
Nhắc về nữ tướng Nguyễn Thị Định, bà Út Thắng một lần nữa nhấn mạnh, bà Ba Định là một người phụ nữ bình dị, kiên cường, giàu tình cảm và rất quyết liệt. "Sự quyết liệt thể hiện ở phương châm đấu tranh "một tấc không đi, một ly không rời". Bà Ba Định ăn mặc thì rất đơn giản, chỉ luôn vận bộ bà ba, quấn khăn rằn, không cầu kỳ. Dù ở cương vị nào thì bà cũng hết sức chăm lo, hướng dẫn cho phụ nữ, cán bộ nữ", bà Út Thắng nói.
Trước sự phát triển của cách mạng miền Nam, ngày 13/1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị lần thứ 15 (khóa II, mở rộng) ra Nghị quyết về nhiệm vụ chiến lược và phương pháp đấu tranh của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, các cuộc khởi nghĩa từng phần nhanh chóng phát triển thành phong trào Đồng khởi rộng khắp ở các địa phương miền Nam từ vùng rừng núi Liên khu V đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tiêu biểu là: cuộc nổi dậy ở Bác Ái (2/1959), khởi nghĩa ở Trà Bồng (8/1959), trận đánh ở Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung (9/1959), trận Xẻo Rô (10/1959), trận Tua Hai (1/1960)...
Đặc biệt là cuộc đấu tranh đồng loạt và mạnh mẽ trở thành phong trào Đồng khởi ở Bến Tre. Ngày 17/1/1960, phụ nữ Bến Tre dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Thị Định đã tổ chức thành từng đoàn tiến vào trụ sở của chính quyền Sài Gòn ở xã Định Thủy (Mỏ Cày) để biểu tình, dự mít tinh. Cùng lúc, ở hai xã Phước Hiệp, Bình Khánh (Mỏ Cày) chị em phụ nữ cũng vùng lên đấu tranh. Trong các ngày từ 17-19/1/1960, nhân dân 3 xã đã giành được quyền làm chủ. Từ huyện Mỏ Cày, cuộc nổi dậy lan rộng ra 47 xã thuộc các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành, Thạnh Phú. Sau 1 tuần, quân và dân Bến Tre giải phóng hoàn toàn 22 xã, diệt ác, bao vây đồn bốt, giải phóng nhiều ấp trong 25 xã, 300 tề điệp bị bắt, 37 đồn bốt bị bức hàng, bứt rút.
Thắng lợi ban đầu của phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã nhanh chóng lan rộng khắp các địa phương lân cận, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam. Thắng lợi này chẳng những khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam, sự nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam bộ, mà còn đánh dấu bước trưởng thành về phương pháp và nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh cách mạng của các cấp ủy Đảng cũng như trình độ giác ngộ của quần chúng nhân dân miền Nam.
Nguồn: Bộ Quốc phòng
|